Google và Apple không thật sự 'đấu' nhau không?

06-02-2015 04:06:06 GMT+7

Có một chủ đề mà không một ai tham gia sự kiện Google I/O 2015 dịp cuối tuần qua không nhắc đến, đó chính là Apple.

Google, Apple
 

Thực ra điều này cũng hợp lý. Apple và Google là hai đối thủ không đội trời chung trên thị trường di động. Khi còn sống, thầy phù thủy Steve Job từng cáu điên vì cho rằng Android bắt chước iPhone một cách thô thiển. Ông thậm chí còn thề sẽ "tuyên chiến" với Google.

Ngược lại, mọi thứ Google công bố tại I/O năm nay - cũng như mọi thứ Google từng công bố cho mảng di động kể từ khi con dế Android đầu tiên ra đời năm 2009 - đều là loạt tên nã thẳng vào Apple.

Chỉ có điều, Táo khuyết và gã khổng lồ tìm kiếm có THỰC SỰ cạnh tranh với nhau hay không?

Apple và Google là hai kiểu công ty khác hẳn nhau. Dù họ có những sản phẩm tương tự nhau như iOS với Android, Apple Maps và Google Maps, App Store và Google Play - thì họ dấn thân vào thương trường vì những mục đích hoàn toàn khác biệt.

Hãy phân tích tuyên ngôn sứ mệnh của họ để làm rõ điều này:

- Apple thiết kế nên Macs, những cỗ máy tính cá nhân tốt nhất thế giới cùng với hệ điều hành OS X, iLife, iWork và nhiều phần mềm chuyên nghiệp khác. Hãng cũng dẫn dắt cuộc cách mạng nhạc số với iPod và iTunes. Thông qua iPhone và App Store, Apple đã phát minh lại điện thoại di động, trước khi định nghĩa lại tương lai của truyền thông di động với iPad.

Nói cách khác, Apple là một doanh nghiệp phần cứng. Hãng không quan tâm đến dữ liệu cá nhân của bạn. Mong muốn của Táo khuyết chỉ là bán thật nhiều điện thoại và máy tính với mức giá có thể tối đa hóa lợi nhuận về dài hạn (Như mọi hãng công nghệ thành công khác, Apple luôn lên kế hoạch cho triển vọng kinh doanh năm này qua năm khác). Hãng cũng phát triển nên những ứng dụng cơ bản, đẹp mắt và trực quan để tích hợp vào phần cứng, nhưng mục đích cuối cùng không phải để bán phần mềm. Apple chỉ muốn đảm bảo rằng, với sự hỗ trợ của phần mềm đó, phần cứng của hãng sẽ đạt được hiệu suất tối đa mà thôi.

Trong khi ấy, sứ mệnh của Google là sắp xếp, tổ chức lại thông tin và dữ liệu của cả thế giới, giúp cho chúng trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Google luôn khao khát dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu càng tốt. Trên thực tế, 3 trong Top 10 ứng dụng miễn phí của iTunes App Store là do Google cung cấp. Trong danh sách này, không có bất cứ ứng dụng Apple nào góp mặt cả.

Google nói rất nhiều đến mục tiêu giúp 1 tỷ người trên hành tinh tiếp cận với Internet, cũng như giới thiệu vô số dự án "viễn tưởng". Nhưng xét cho cùng, bản chất của hãng vẫn là một công ty công nghệ kiếm 90% doanh thu từ bán quảng cáo. Càng thu thập được nhiều dữ liệu về người dùng, các quảng cáo mà hãng hiển thị càng trúng đích hơn, các nhà quảng cáo càng sẵn lòng trả tiền cho Google hơn.

Ban đầu, Google mua lại Android chỉ để phòng vệ trước iOS, một hệ điều hành di động sử dụng một công cụ tìm kiếm khác và có nguy cơ ăn lẹm vào mảng kinh doanh quảng cáo của mình. Nhưng càng dùng Android nhiều, lượng dữ liệu mà bạn cung cấp cho Google càng lớn. Những dữ liệu này giúp hãng bán quảng cáo. Nếu có thể đưa được 1 tỷ người trên hành tinh "online", Google đánh cuộc rằng một tỷ người đó sẽ xem các quảng cáo do hãng hiển thị.

Rõ ràng, mô hình kinh doanh của Google không "miễn phí và từ thiện chút nào", dù Google Photos có thể cho bạn lưu trữ và chia sẻ ảnh hoàn toàn miễn phí, Inbox cũng được cung cấp miễn phí tới tất cả người dùng kể từ thời điểm này.....

Apple chẳng ngốc chút nào. Nếu muốn, hãng có thể tung ra một phiên bản iPhone giá rẻ và xâm nhập vào các thị trường đang phát triển ngay cuối năm nay, làm lung lay vị thế của Android một cách nghiêm trọng. Họ có đủ nhân lực cũng như tiềm lực tài chính cho nhiệm vụ đó. Nhưng chiến lược kinh doanh của Apple không đòi hỏi hãng này phải xuất hiện ở khắp mọi nơi. Chừng nào người dùng iOS còn sẵn sàng chi tiền cho các thiết bị mà hãng sản xuất ra, Apple và các cổ đông vẫn rất hạnh phúc. Ngược lại, Google cần phải hiện diện ở mọi ngóc ngách, vì chiến lược kinh doanh của họ đòi hỏi dữ liệu, dữ liệu và dữ liệu.

Trọng Cầm (Theo Business Insider)

CS khách hàng

0281 800126

Dịch vụ giải đáp

0281 1080

Báo máy hỏng

0281 119

Kết nối với VNPT Bắc Kạn