Nguyên team Apple từng góp công làm ra chiếc iPhone đầu tiên nay đã thành bại ra sao?
Nếu thường xuyên theo dõi tin công nghệ hoặc quan tâm đến Apple, hẳn bạn sẽ biết ít nhất một trong những nhân vật có mặt trong bức hình này. Họ là những người làm nên các thiết bị nổi tiếng của Apple trong hơn 10 năm qua.
Đây chính là những lãnh đạo cấp cao của Apple vào năm 2007, cũng là lúc thế hệ iPhone đầu tiên ra đời. Kể từ đó trở đi, đội ngũ lãnh đạo của Apple đã có ít nhiều sự thay đổi khi mà giờ đây, chỉ còn 2 người trong bức ảnh là còn ở lại với công ty – Phil Schiller ở góc trái ngoài cùng và Eddy Cue ở góc phải ngoài cùng. Với sự ra đi của Jony Ive, nhà thiết kế sản phẩm chính của Táo Khuyết trong suốt 20 năm qua, thật thú vị khi nhìn lại và xem những cựu thành viên Apple có trong bức ảnh trên giờ đây ra sao.
Đội ngũ lãnh đạo của Apple năm 2007, từ trái sang phải gồm: Phil Schiller, Tony Fadell, Jony Ive, Steve Jobs, Scott Forstall và Eddy Cue. Duy chỉ có Schiller và Cue là còn tại vị ở Apple.
Phil Schiller hiện vẫn còn làm việc cho Apple với vị trí phó giám đốc marketing toàn cầu. Mỗi lần iPhone mới ra mắt, ta đều sẽ thấy sự hiện diện của ông trên sân khấu
Phil Schiller gia nhập Apple từ năm 1997, cũng là lúc Steve Jobs quay lại và vực dậy đứa con do mình đồng sáng lập đang đứng trên bờ vực phá sản. Schiller đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo và quảng bá các sản phẩm của Apple, giúp chúng trở nên phổ biến và được yêu thích trên toàn thế giới, điển hình như iMac và iTunes. Không thể không kể đến đóng góp lớn nhất mà Schiller mang đến cho Apple là việc tạo ra vòng xoay Click Wheel trên dòng iPod Classic.
Thay vì phải nhấn các nút bấm để điều khiển trình phát nhạc thì với Click Wheel, người dùng chỉ cần vuốt để điều khiển. Và khi Schiller trình bày với nhóm nghiên cứu dự án iPod, Steve Jobs hô lên: "Chính nó!" và cho các nhân viên lập tức làm theo ý tưởng ấy. Hiện nay, tại các sự kiện ra mắt, Phil Schiller luôn là người thuyết trình về các tính năng mới, bao gồm cả sự kiện ra mắt iPhone hàng năm.
Tony Fadell rời Apple vào cuối năm 2008 vì lý do cá nhân
Thực chất ban đầu, Fadell làm việc tại Apple với tư cách là một nhà thầu. Vào cuối những năm 1990, ông đã định thành lập một công ty điện tử của riêng mình mang tên Fuse nhưng bất thành vì không đủ nguồn lực tài chính. Vào năm 2001, Apple đã thuê Fadell thiết kế cho iPod; và vào tháng tư năm đó, ông đã được vinh danh là cha đẻ của iPod và một số dự án đặc biệt khác.
Fadell đã lọt vào mắt xanh của Steve Jobs ngay từ lần đầu tiên gặp mặt khi đưa ra ý tưởng tuyệt vời về một chiếc máy nghe nhạc trực tuyến. Ý tưởng này về sau đã trở thành nền tảng mạnh mẽ để phát triển cho iPod và iTunes. Vào năm 2006, khi iPod bước vào thời hoàng kim của mình, Fadell đã được chỉ định thay thế Jon Rubinstein cho chiếc ghế Phó chủ tịch cấp cao của Bộ phận iPod. Nhưng hai năm sau, Fadell đã rời Apple vì lý do cá nhân, theo tờ Wall Street Journal.
Sau khi rời khỏi Apple, Fadell du lịch khắp thế giới và phát hiện ra rằng mọi người đang gặp khó khăn trong việc tiết kiệm năng lượng. Khi còn ở Paris, Forbes cho biết ông đã lên kế hoạch phát triển kinh doanh cho một tổ chức có tên Nest Labs (Nest) do ông đồng sáng lập với một cựu nhân viên Apple, Matt Rogers. Fadell lãnh đạo Nest trong sáu năm trước khi tuyên bố từ chức vào tháng 6/2016. Về sau, Nest được Google mua lại vào năm 2014 với giá 3,2 tỷ USD.
Về phần mình, Fadell sau đó đã giữ chức giám đốc tại một công ty đầu tư có tên Future Shape, chuyên tư vấn cho các kỹ sư và nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ.
Jony Ive rời Apple vào tháng 6/2019
Giám đốc thiết kế của Apple, Jony Ive tại hội nghị New Yorker TechFest.
Khi còn là sinh viên tại Newcastle Polytechnic, Jonathan "Jony" Ive từng có một công trình thiết kế trên máy tính Mac. "Tôi đã phát hiện ra dòng máy Mac và cảm thấy mình có mối liên hệ mật thiết với những người đã tạo ra sản phẩm này", Ive trả lời với nhà báo Walter Isaacson.
Ban đầu, trong khoảng thời gian sau tốt nghiệp, Ive đã gia nhập công ty thiết kế Tangerine mới thành lập, đồng thời cũng là một trong bốn thành viên đầu tiên của công ty. Tangerine sau đó đã nhận được hợp đồng với Apple. Năm 1992, Apple mời Ive về giữ một vị trí trong bộ phận thiết kế. Đến năm 1996, ông đã trở thành người đứng đầu bộ phận thiết kế của Apple. Nhưng vào thời điểm đó, Ive lại cho biết ông không hề cảm thấy hạnh phúc.
Cùng lúc đó, Steve Jobs đã rời khỏi Apple, trong khi Apple thì chỉ tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận hơn là hoàn thiện thiết kế sản phẩm. Nhưng tất cả mọi chuyện đã thay đổi vào năm 1997, khi Jobs quay lại. Ông đã gặp Jony Ive khi đang thăm quan phòng thiết kế của Apple. Và hai người họ đã nhanh chóng hòa hợp, làm việc rất ăn ý với nhau. Theo cựu kỹ sư của Apple, Jon Rubinstein, Ive và Jobs thường xuyên ăn trưa cùng nhau, và Jobs kết thúc một ngày của mình bằng việc ghé qua xưởng thiết kế để nói chuyện cùng Ive.
Về sau, Ive và Jobs tiếp tục cùng nhau thiết kế một số sản phẩm mang tính biểu tượng cho Apple bao gồm iMac, iPod, iPhone, iPad và thậm chí là cả khuôn viên khổng lồ của Apple, Apple Park. Theo những người cộng sự của Ive và Jobs, hai người họ không chỉ là đồng nghiệp hay bạn bè bình thường; họ là những người bạn tâm giao của nhau.
Sau khi Jobs qua đời vào tháng 10/2011, Ive vẫn tiếp tục công việc của mình tại Apple nhưng sự nhiệt huyết đã giảm đi rất nhiều. Mặc dù được thăng chức giám đốc thiết kế vào năm 2015, Ive hầu như vắng mặt tại công ty và được cho là chỉ có mặt tại trụ sở Apple hai lần một tuần.
Từ đó, ông cũng đã bắt đầu "trút bỏ trách nhiệm". Theo Bloomberg, Ive đã dành rất nhiều thời gian để đi du lịch và làm việc với các nhà thiết kế trong các dự án nhỏ và đấu giá từ thiện. Vào ngày 27/6, Ive tuyên bố sẽ rời Apple để thành lập một công ty mới, có tên là LoveFrom, trong đó Apple sẽ là khách hàng chính. Ive cho biết cái tên LoveFrom lấy cảm hứng từ Jobs, người nói rằng ông muốn tạo ra mọi thứ bằng tình yêu và sự quan tâm, chăm sóc.
Steve Jobs qua đời vào ngày 5 tháng 10 năm 2011, sau khi không thể chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy quái ác
Steve Jobs là người đồng sáng lập của Apple và là bộ mặt của công ty kể từ khi thành lập vào giữa những năm 70 của thế kỷ 20. Ông đã góp phần tạo nên một số sản phẩm mang tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại cho Apple, cũng như mang lại lợi nhuận cao nhất cho công ty từ trước đến nay.
Theo những người đã gặp và làm việc cùng Steve Jobs cho biết: ông là một người thông minh, cuốn hút, có tài ăn nói thuyết phục, có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh và phát minh ra những thứ vượt ngoài sức tưởng tượng. Jobs luôn là người khiến các sản phẩm của Apple thêm phần thu hút trong mắt người dùng, bởi ông luôn có những điều bất ngờ khiến mọi người phải trầm trồ trong những buổi ra mắt sản phẩm mới. Cũng như rất giỏi tạo hứng thú và cường điệu hóa những việc liên quan đến máy tính, công việc được cho là khô khan và khó tiếp cận thời bấy giờ.
Vào năm 1985, Steve Jobs bị đuổi khỏi Apple bởi John Sculley, CEO Apple thời điểm ấy. Cùng năm đó, Jobs đã đồng sáng lập NeXT Computer với một số lãnh đạo của Apple. Đến năm 1997, NeXT Computer sát nhập với Apple và Jobs đã giành được quyền điều hành khi thuyết phục được hội đồng quản trị Apple "hất cẳng" CEO Gil Amelio. Từ đó, Jobs trở thành CEO chính thức của Apple.
Trong vài thập kỷ tiếp theo, ông cùng các cộng sự đã chế tạo ra một số sản phẩm quan trọng nhất trong lịch sử Apple bao gồm iPod, iTunes, iPhone, iPad, và MacBook Air. Tuy vậy, ở đời sống thường nhật, ông đã gặp không ít khó khăn khi phải đấu tranh giành sự sống cho chính mình: ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy năm 2003, nhưng từ chối phẫu thuật trong nhiều năm, để rồi chọn cách sử dụng thuốc với hy vọng có thể đẩy lùi căn bệnh này. Cuối cùng, Jobs qua đời vào năm 2011, và khiến hàng triệu người trên toàn thế giới vô cùng thương tiếc. Cho đến nay, Apple vẫn luôn tưởng nhớ đến Steve Jobs.
Scott Forstall rời Apple vào năm 2013, sau khi ra mắt ứng dụng Apple Maps cùng với iOS 6 vào cuối năm 2012
Scott Forstall gặp Steve Jobs vào năm 1992 khi cả hai cùng làm việc tại NeXT Computer. Sau khi sáp nhập với Apple vào năm 1997, Forstall được giao trọng trách thiết kế giao diện người dùng cho dòng máy tính Mac. Ông cũng tham gia góp phần giúp tạo nên trình duyệt web Safari và hệ điều hành iOS cho iPhone của Apple ngày nay. Đồng thời, ông cũng chính là người tạo ra bộ công cụ phát triển phần mềm (SDK) cho iPhone, giúp các bên thứ ba xây dựng ứng dụng dành cho iPhone và là người chịu trách nhiệm tạo nên App Store, Bloomberg cho hay.
Vào năm 2006, tức chỉ một năm trước khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, Forstall đã phát hành phần mềm dành cho máy tính Mac. Cũng như nhiều năm sau đó, tại các buổi ra mắt của Apple, ông luôn là người đứng ra diễn thuyết về những tính năng phần mềm mới dành cho người dùng và nhà phát triển. Với tài năng của mình, rất nhiều người tin rằng Forstall sẽ là người kế nhiệm hoàn hảo nếu như Jobs quyết định từ chức. Và sau khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011, Forstall đã lãnh đạo Apple rất thành công, nhưng một năm sau đó, ông lại vướng vào một cuộc tranh cãi lớn khi Apple quyết định thay thế ứng dụng bản đồ mặc định trong iOS - Google Maps, bằng một ứng dụng mới với nhiều rủi ro và gây nguy hiểm khi sử dụng.
Apple sau đó đã tuyên bố Forstall sẽ rời công ty vào năm 2013. Nhiệm vụ của ông được trao lại cho một trong số bốn giám đốc điều hành của Apple, bao gồm Jony Ive, Craig Federighi, Eddy Cue và Craig Mansfield. Sau sự ra đi của Forstall, nhiều tin đồn bắt đầu xuất hiện, thêu dệt về hành vi của giám đốc điều hành với các nhân viên Apple. Khi Tony Fadell hay tin về sự ra đi của Forstall, ông đã trả lời với BBC rằng "Forstall đã nhận được những gì anh ấy xứng đáng".
Forstall cũng bị chỉ trích vì tạo ra Siri, từ đó dấy lên mối quan hệ căng thẳng của ông với các thành viên trong văn phòng và với Jony Ive về các thiết kế giao diện phần mềm của Apple. Những năm sau đó, kể từ khi rời khỏi Apple, Forstall không hề xuất hiện công khai trước công chúng. Theo tờ The Information, Forstall đã dành thời gian đi du lịch, tư vấn cho các công ty khởi nghiệp và làm từ thiện. Ông lần đầu xuất hiện lại trước công chúng trong thời gian dài vào năm 2015 và cho biết mình đang hợp tác sản xuất một vở nhạc kịch Broadway, vở nhạc kịch sau đó đã "rinh" ngay năm giải thưởng sân khấu Tony. Hiện tại, Forstall được cho là đang cố vấn chiến lược cho Snapchat của doanh nhân Evan Spiegel.
Eddy Cue hiện vẫn còn làm việc cho Apple với vị trí phó giám đốc phần mềm và dịch vụ Internet
Eddy Cue gia nhập Apple vào năm 1989. Khi đó, ông được giao vai trò quản lý các kỹ sư phần mềm và lãnh đạo các nhóm hỗ trợ khách hàng của công ty. Qua nhiều năm, Cue đã giúp Apple tạo nên một số nền tảng quan trọng, tiêu biểu như cửa hàng trực tuyến App Store, iTunes Store và các ứng dụng "iLife" của Apple, bao gồm iBooks, iMovie,…
Ông cũng là người đã hồi sinh iCloud, một trong những dịch vụ ít phổ biến nhất của Apple vào thời gian đầu ra mắt, đồng thời được cho là người đã gợi ý Apple tạo ra chiếc iPad Mini, theo tờ Buzzfeed cho hay. Và ở thời điểm hiện tại, Cue đang chịu trách nhiệm giám sát các dịch vụ phần mềm lớn của Apple, bao gồm Apple Music, Apple Maps, Apple Pay, iCloud, iTunes Store,...
Theo VnReview
Tin mới hơn
- Công nghệ thu phát Wi-Fi mới truyền xa lên tới hơn 15 km
- Dùng công nghệ kết nối tình nguyện viên giúp dân mùa lũ
- VNPT triển khai thí điểm học bạ số tại hơn 45 tỉnh, thành phố
- VNPT hướng tới mục tiêu chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh
- Đường truyền Internet thế hệ mới của VNPT mở đường cho hàng loạt công nghệ tiên tiến đến với người dùng
Tin cũ hơn
- Apple chi 1 tỷ USD mua mảng sản xuất modem Intel
- Facebook chính thức nhận án phạt 5 tỷ USD, bị siết chặt quyền quản lý dữ liệu người dùng
- 10 ứng dụng tích hợp nhiều tính năng nhất đối với người dùng Android
- Cách xem lại mật khẩu WiFi điện thoại và máy tính
- 9 sản phẩm biểu tượng Apple do Jony Ive làm nên, xứng đáng mang tính cách mạng toàn cầu